Chúng tôi đến làng mộc Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc vào một ngày giữa mùa xuân, cho dù thời tiết ẩm ướt do mưa xuân, không khí làm nghề ở đây vẫn khá sôi động.
Tất cả các xóm, thôn vẫn vang tiếng đục, tiếng cưa, tiếng tràng gõ lách cách của những người thợ làm nghề . Từng đống gỗ nguyên liệu và những sản phẩm mới hoàn thiện thơm lừng mùi gỗ được bày từng hàng, từng lối từ sân vào nhà của các gia đình nơi đây.
Những sản phẩm mỹ nghệ chất lượng cao khắc họa công, phượng, hoa lá, các loài thú dũng mãnh, những đấng tinh thần tối cao trong huyền thoại… có thể bắt gặp ở khắp thôn xóm. Mỗi thứ sản phẩm quý ấy nếu quy đổi có thể có giá trị bằng cả vài cặp trâu, cặp bò theo cách nhẩm tính của nông dân.
Theo các cụ cao niên Thanh Lãng kể lại, nghề mộc Thanh Lãng đã ra đời và phát triển hàng trăm năm qua . Trải qua bao đời cha truyền con nối, những tinh hoa văn hóa, kỹ thuật chế tác cùng với các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đã mang tính chuyên nghiệp hóa rất cao.
Giờ đây từ chiếc bào, cưa, đục, thước, búa, kìm, phay, khối lăng trụ, mũi khoan, các loại lưỡi cắt, tạo lỗ định hình định vị, dao tiện gỗ, bánh mài, đến thiết bị làm sạch, đánh bóng... đều đạt được sự tiện ích, linh hoạt và hiệu quả mà ai cũng phải thừa nhận.
Công nghệ tạo màu, sơn tẩm để tạo tính thẩm mỹ, tạo độ bền cho sản phẩm gỗ cũng đã được không ít cơ sở đầu tư, để giờ đây người ta có thể lựa chọn các loại gỗ nằm trong các nhóm khác nhau đưa vào sản xuất , không nhất thiết cứ phải là gỗ quý nhóm I, nhóm II như người tiêu dùng trước đây đòi hỏi.
Cũng vì lẽ đó, đến nay mộc Thanh Lãng đã và đang khẳng định thương hiệu của mình, mở rộng quy mô sản xuất mà vẫn yên tâm rằng nguồn nguyên liệu lúc nào cũng được đáp ứng đủ.
Ông Nguyễn Duy Mười, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Thanh Lãng, thổ lộ nghề mộc Thanh Lãng phát triển và chiều lòng được khách hàng, cũng như thị trường khó tính như ngày nay là do sự yêu nghề, sự quyết tâm học hỏi kiến thức, kinh nghiệm làm nghề của bà con địa phương làm nghề này.
20 năm trước, sản phẩm mộc ở Thanh Lãng khá đơn điệu, đơn giản và sản xuất ra nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đại đa số người dân địa phương với giá rẻ . Chính vì thế mà đời sống người dân rất khó khăn, bà con phải bám chặt ruộng đồng hay phiêu bạt khắp nơi làm đủ mọi nghề để sinh sống.
Những năm gần đây, mặt hàng đồ gỗ ở làng nghề Thanh Lãng đã đa dạng, đổi thay theo chiều hướng tích cực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời hướng tới thị trường ngoài nước.
Nhiều sản phẩm trở nên nổi tiếng như sập gụ, tủ, bàn ghế đã được các thợ kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, tinh tế. Sản phẩm sập gỗ mỹ nghệ có giá phổ biến từ 25 đến 35 triệu đồng/chiếc; bộ bàn nghề mỹ nghệ dành cho phòng khách có giá phổ biến từ 22 đến 30 triệu đồng/bộ.
Thị trấn Thanh Lãng hiện có 2.600 hộ dân với trên 13.800 khẩu thì có tới 90% hộ làm nghề mộc thường xuyên. Số hộ có thu nhập từ nghề mộc làm tại nhà 100 triệu đồng/hộ/năm trở lên chiếm tới 70-80%.
Ngoài ra, toàn thị trấn còn có gần 1.000 lao động đi làm nghề mộc ở các tỉnh, thành trong nước; trong đó có khoảng 200 người mở xưởng mộc ở các tỉnh như Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nội, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh... tạo việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa bàn các tỉnh, thành với mức thu nhập của lao động thợ có kinh nghiệm từ 180 đến 200.000 đồng/người/ngày.
Năm 2011, thị trấn Thanh Lãng thu gần 180 tỷ đồng, phần lớn là nguồn từ nghề mộc mang lại.
Anh Nguyễn Phú Quân-cán bộ phụ trách khuyến công Thanh Lãng cho hay năm 2008, Thanh Lãng là một trong 7 làng nghề được công nhận làng nghề tiêu biểu của cả nước.
Để nghề mộc truyền thống của Thanh Lãng ngày càng phát triển, hàng năm, thị trấn Thanh Lãng phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh mời các thợ giỏi tổ chức các lớp đào tạo , truyền nghề cho người dân; tư vấn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nghiệp vụ kinh doanh.
Bình quân một năm Thanh Lãng thu hút khoảng 300 người đến học nghề và làm nghề tại địa phương. Thanh Lãng đã có 9 thợ giỏi, hàng chục hộ gia đình sản xuất-kinh doanh giỏi, điển hình như gia đình ông Lưu Văn Tiền ở tổ Minh Lương có xưởng mộc, thường xuyên giải quyết việc làm cho gần chục lao động, mỗi năm gia đình ông thu lời từ 300 đến 400 triệu đồng; gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở tổ dân phố Độc Lập cũng có xưởng mộc thu lời từ làm nghề trên 300 triệu đồng/năm.
Thanh Lãng còn có hàng chục cơ sở làm nghề lớn, doanh nghiệp tư nhân đang ký kinh doanh sản xuất ổn định, đồng thời là đầu mối tiêu thụ sản phẩm, cung ứng gỗ cho các hộ dân ở địa phương, trong đó có không ít doanh nghiệp thu lời gấp 3 đến 4 lần so với các hộ sản xuất kinh doanh khá ở địa bàn.
Những nhóm thợ đến các tỉnh thành bên ngoài làm nghề thường phối hợp với các thợ giỏi, nghệ nhân làm đình, chùa, đền, nhà cổ, nhà sàn; các loại đồ thờ như án gian, hoành phi câu đối, cuốn thư, ngai; các đồ giả cổ như sập, tủ chè, bàn ghế mỹ nghệ và các sản phẩm đồ gia dụng trang trí nội thất... Đây là một nguồn nhân lực quý giá, họ trung thành với nghề, đóng một vai trò tôn tạo, bảo tồn các giá trị nghệ thuật văn hóa Việt Nam mà không phải ở tỉnh thành nào cũng có.
Bên cạnh việc sản xuất-kinh doanh hiệu quả và mang lại cuộc sống giàu có cho người dân, Thanh Lãng hiện cũng đang gặp những khó khăn thử thách đó là tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, ô nhiễm môi trường từ làm nghề.
Mong muốn của đông đảo người dân là các ngành chức năng của tỉnh, chính quyền các cấp đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải, nhanh chóng quy hoạch khu công nghiệp làng nghề Thanh Lãng, sớm đưa vào hoạt động để phát triển ổn định, bền vững hơn.
Chia tay làng nghề mộc Thanh Lãng trong mưa Xuân, anh Quân cán bộ khuyến công thị trấn cho biết thời gian tới Thanh Lãng sẽ được tỉnh Vĩnh Phúc "tiếp sức" để chắp cánh cho sản phẩm mộc mỹ nghệ của mình vươn xa hơn, vượt đại dương để tới các châu lục /
- Trang chủ
- NHÀ ĐẤT BÁN
- NHÀ ĐẤT CHO THUÊ
- Dự án
- Nhà đất thổ cư bán
- Dịch vụ pháp lý BDS
- Nội thất
- Tuyển dụng
- Kỹ Năng Nghề Môi Giới Bất Động Sản